[CHIA SẺ] Kinh nghiệm tác nghiệp báo chí ở Mỹ của Milky Nguyen
Mình tốt nghiệp Cử nhân Báo chí và Truyền thông ở ĐHKHXH&NV TPHCM sau đó làm việc tại Đài truyền hình. Thời gian ngắn sau đó mình tốt nghiệp Thạc sĩ Báo chí và Truyền thông quốc tế ở Anh rồi về làm việc tiếp ở Đài Truyền hình. Khoảng 2015 mình nhận lời làm Manager quản lý thị trường Việt Nam cho tập đoàn Nhật và sau đó mình sang Mỹ học bằng Thạc sĩ thứ hai về Phân tích dữ liệu kinh doanh.
Hiện nay mình đang là Chuyên viên phân tích dữ liệu cho dự án Viện trợ y tế quốc tế của Chính phủ Mỹ. Mình cũng có những dự án riêng để hỗ trợ cộng đồng như Cultural Hub, Viet Connect, Analytics for Life chủ yếu dựa trên kiến thức truyền thông báo chí, kiến thức xã hội và khoa học dữ liệu.
Trong thời gian học Thạc sĩ và đi làm ở Mỹ, mình làm bán thời gian cho Trường mình ở Mỹ với vị trí Digital Marketing Cordinator và cộng tác đưa tin, phóng sự, trả lời phỏng vấn chuyên sâu cho Đài truyền hình, cơ quan báo chí uy tín ở Việt Nam như Zing, Pháp Luật, Tuổi Trẻ, VTC, VOH…
Do tình hình dịch biến động nhanh và phức tạp nên vào thời điểm tiến hành bầu cử Tổng thống Mỹ 2020-2021, việc sắp xếp nhân sự để đưa tin cho sự kiện này ở Thủ đô Washington DC không hề dễ dàng. Mình đã nhận lời các tờ báo và Đài truyền hình ở Việt Nam để hỗ trợ đưa tin cụ thể về diễn biến bầu cử tại thủ đô Washington DC khi cả Thế giới đang hướng sự chú ý đến đợt bầu cử này.
Trong mấy năm làm báo, mình cũng đi nhiều nơi trong khu vực TPHCM, các tỉnh từ Bắc chí Nam, chưa kể mình cũng có cơ hội đi 15 quốc gia ở châu Á, Âu, Mỹ nên liên tục cập nhật kiến thức về ngành nghề cũng như kiến thức xã hội khắp nơi. Bản thân mình cũng hay theo dõi thông tin và phân tích tình hình kinh tế – chính trị – xã hội trong nước và Thế giới nên cũng không mất quá nhiều thời gian để chuẩn bị cho việc đưa tin bầu cử.
Thật ra mình nhận được lời mời liên hệ cộng tác đưa tin cho đợt bầu cử chỉ khoảng 2-3 ngày trước ngày bầu cử chính thức (đầu tháng 11) trong khi công việc chính của mình vẫn là chuyên viên phân tích dữ liệu cho dự án y tế quốc tế. Một số kinh nghiệm bỏ túi cho các bạn/anh/chị/cô/chú trong quá trình tác nghiệm các sự kiện lớn trên Thế giới như sau.
Luôn trong trạng thái sẵn sàng về kiến thức và kĩ năng
Một trong những yêu cầu làm nghề báo và truyền thông là cần phải liên tục cập nhật kiến thức và trau dồi kĩ năng làm nghề (có vẻ như áp dụng trong mọi ngành nghề trong xã hội chứ không chỉ báo chí).
Với những chủ đề lớn và yêu cầu hệ kiến thức phức tạp mà nhận “lệnh” đưa tin tức thời thì thường mỗi người chúng ta cần tự xây dựng hệ kiến thức kinh tế, văn hóa, xã hội. Rất nhiều người hỏi mình là tại sao lại học ngành Thạc sĩ thứ hai về Business – nghe có vẻ như không liên quan đến Báo chí.
Thật ra kiến thức nhân loại là không giới hạn và cần liên kết đa ngành, đa nghề thì mới có được cái nhìn tương đối tổng quan và cởi mở trước sự phát triển như vũ bão của công nghệ. Chính nhờ học Báo chí rồi qua Khoa học dữ liệu chuyên về Business, lại học và sinh sống ở ngay trong thủ đô Hoa Thịnh Đốn (Washington DC) nên mỗi ngày mình đã theo dõi thông tin, sống trong dòng tin tức thời sự, ra ngoài quan sát tình hình dân chúng. Tất nhiên là cần phải đặc biệt chú ý thông tin và cập nhận kiến thức, tin tức liên quan đến chủ đề mình đang làm phóng sự.
Không chỉ cần đọc nhiều nguồn tài liệu, mình còn tham quan toà nhà Quốc hội, Toà án Tối cao, National Archive, bảo tàng, các dấu tích liên quan đến các đời Tổng thống (dinh thự Thomas Jefferson, Đài tưởng niệm Washington, Lincoln…) và nghe người dân kể về các đời Tổng thống. Đến tận những thành phố gắn liền với lịch sử lập quốc Hoa Kỳ như Philadelphia, Boston và cả những khu vực bị ảnh hưởng của Nội chiến như bang Georgia… Khi kết hợp linh hoạt giữa kiến thức – trải nghiệm thực tế – góc nhìn riêng thì nội dung tin tức/phóng sự được phản ánh sẽ có dấu ấn riêng.
Yêu nghề, chịu khó dấn thân và chuẩn bị thật kĩ
Báo chí luôn là đam mê lớn của đời mình nên bất kể mình ở đâu, làm nghề gì, mình vẫn đam mê và luôn tìm tòi gắn bó với báo chí theo cách riêng. Bản thân website cá nhân và website của dự án Viet Connect mình sáng lập ra đã có 13 ngàn lượt xem trong mấy năm qua (từ 40 quốc gia trên thế giới) và được viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Với những sự kiện mang tính tác động đến xã hội nhưng không kém phần phức tạp thì không chỉ cần có kiến thức về kinh tế, chính trị, xã hội nói chung mà còn phải tìm tòi những ngõ ngách, thông tin bản địa mà có lẽ chỉ có người sống ở đây mới nắm bắt hết được.
Mình ở Mỹ gần 3 năm rưỡi nhưng mình đã đi rất nhiều thành phố lớn tại Mỹ, bản thân trong thủ đô và khu vực lân cận mình cũng đã tham quan và tìm hiểu lịch sử khá nhiều, nắm khá rõ tình hình bản địa (đường sá, an ninh, người dân sinh sống như thế nào, cách di chuyển…) Vì vậy khi nhận được lời mời tác nghiệp đợt bầu cử từ báo đài là ngay lập tức trao đổi tình hình và lên kế hoạch “tác chiến”.
Google nhanh chóng những địa điểm thu thập phiếu bầu và ngay hôm sau mình đi thực địa trước ngày diễn ra bầu cử chính thức. Do mình vẫn làm full time bên này nên các công tác báo chí mình tạm thời chỉ có thể hỗ trợ trước và sau giờ làm việc. Chưa kể phải tính toán kế hoạch di chuyển trong ngày diễn ra bầu cử chính thức.
Do dịch nên phương tiện công cộng khá hiếm và chậm (chưa kể là nhìn chung hệ thống phương tiện công cộng ở Mỹ không tiện như ở Anh – nơi mình từng được học) nên Uber/Lyft là giải pháp tốt nhất. Nhưng bạn phải luôn chuẩn bị tinh thần cho các trường hợp xấu nhất như không bắt được xe và phải khởi hành từ rất sớm.
Nên chuẩn bị sẵn nước uống và đồ ăn gọn nhẹ trong ba lô và các thiết bị ghi hình, phát sóng, chuyển files cùng pin sạc dự phòng. Trong dịch gần như cả thành phố đóng cửa nên nếu không tự chuẩn bị những vật dụng thiết yếu như thế này, bạn sẽ không thể tác nghiệp liên tục vì rất khó tìm được cửa hàng nào ở ngay gần Nhà Trắng hoặc Tòa nhà quốc hội để bạn mua đồ tiếp tế…
Chưa kể phải mang theo giấy tờ tùy thân và tự chuẩn bị tốt cho an toàn của bản thân khi tác nghiệp. Với các bạn phóng viên nữ, càng cần phải chú ý rèn luyện sức khỏe, tính dẻo dai, học một số kĩ năng tự vệ cơ bản. Mình đã nhiều năm rèn luyện theo chế độ của Anh và Mỹ nên mình khá quen với tốc độ và áp lực dồn dập từ các ngành.
Quan sát, chú ý kĩ năng ghi nhận tại hiện trường
Mình là một trong những phóng viên hiếm hoi của Việt Nam có mặt tại hiện trường và theo suốt các sự kiện bầu cử, thông tin tình hình dịch ở Mỹ từ năm ngoái đến thời điểm hiện nay.
Sáng ngày diễn ra bầu cử chính thức khoảng 7.00 sáng là mình đã nhận lệnh điều động để có mặt ở trước Nhà Trắng ghi nhận tình hình. Không gian rất yên tĩnh (vì dịch và an ninh khá tốt), chưa kể trời chưa kịp sáng nên chủ yếu phóng viên quốc tế như mình có mặt thôi, thi thoảng thấy người dân chạy bộ ngoài đường.
May thay lúc mình đi bộ gần đến cửa trước của Nhà Trắng thì gặp ngay bạn mình cũng làm cho Nhà Trắng. Bạn học cùng trường với mình ở bên Mỹ, khá giỏi và tụi mình biết nhau từ hồi còn là sinh viên của trường. Chào hỏi vài câu thì mình tiến thẳng đến cổng trước Nhà trắng để đưa tin luôn. Các bạn tác nghiệp phải nắm khá rõ hiện trường, đi thực địa trước nếu chưa quen, phải nhạy cảm với tình hình để biết đâu là nơi có thể tiếp cận, đâu là khu vực báo chí có thể phỏng vấn và ghi hình.
Bản thân mình rất quan tâm đến tình hình người dân Thế giới sinh sống như thế nào nên mình thuộc và nắm khá rõ tình hình những địa điểm trọng yếu. Một trong những thú vui tao nhã của mình là đi đây đó để học hỏi và quan sát đời sống dân tình.
Khoảng 3.00 chiều ngày diễn ra bạo động ở Tòa nhà Quốc hội Mỹ thì mình nhận lệnh đưa tin từ buổi trưa nhưng do mình làm full time nên chỉ có thể theo dõi tin tức qua các kênh như CNN, ABC, BCC để chuẩn bị đưa tin sau giờ làm việc. Đến khoảng chiều hôm đó là mình nhận được tin nhắn (mass message đến người dân) từ thị trưởng thủ đô Washington DC về lệnh giới nghiêm toàn thành phố và chỉ có báo chí và các nhà chức trách được ra đường.
Khoảng 6.00 tối lệnh phong tỏa bắt đầu có hiệu lực, mình bắt xe ra thẳng Tòa nhà Quốc hội mà cũng lo lắng vì mới diễn ra bạo động và sợ là hãng xe không nhận các chuyến ghé qua khu vực nhạy cảm này. Lúc mình lên xe thì tài xế bảo với mình là: “Đáng lẽ tôi không nhận chuyến xe này đâu, tôi mà biết từ đầu là đi qua Tòa nhà Quốc hội thì đã hủy chuyến rồi nhưng nhìn cô thân thiện và là người đàng hoàng nên tôi giúp cô…”
Nguyên chuyến đi mà tài xế liên tục hỏi mình tại sao mình ra gần khu vực bạo động để làm gì (yêu nghề và dấn thân là quan trọng). May mắn là anh ấy cũng đưa mình đến gần Tòa nhà Quốc hội và thả mình cách đó khoảng vài tuyến đường do xung quanh đã bị bao vây bởi các lực lượng an ninh. Mình thật sự biết ơn người tài xế này và tự nhủ chắc vẫn còn Duyên với Nghề <3.
Mình mất cả tiếng đồng hồ đi lòng vòng ở khu vực đó phát hiện ra gần như mọi ngõ ngách đều bị chặn bởi nhiều lớp hàng rào an ninh chặt chẽ. Chỉ có hai đến ba nhóm phóng viên Mỹ đưa tin trực tiếp cách đó vài tuyến đường (lấy cảnh Tòa nhà Quốc hội làm background). Lúc sau mình đánh liều đi theo một nhóm hai đến ba người dân tiến về phía Tòa nhà Quốc hội thì may là đi được một quãng chưa bị ai hỏi thăm.
Đi một lúc thì tiến vào được bên hông của Tòa nhà quốc hội và thấy một ê kíp duy nhất của báo chí Mỹ đang tác nghiệp ở đó. Thế là ngay lập tức mình đứng hiện dẫn với background cận kề là Tòa nhà Quốc hội sau khi lệnh phong tỏa đã được áp dụng triệt để – xe cảnh sát còn chạy ngay sau lưng mình trong khung hình hiện dẫn. Nghĩ lại là thấy thật phấn khích vì hồi mình học về Báo chí đã từng nghĩ đến cảnh làm phóng viên chiến trường.
Nói ra thì lúc còn là sinh viên sẽ thấy khó tin nhưng tác nghiệp ở Mỹ xong mình thấy đúng là làm báo phải có máu báo chí và dòng máu này vẫn chảy trong người mình. Chính vì vậy mà mình có dịp đưa đến khán giả Việt Nam những tin tức mới nhất của bầu cử quốc hội. Bạn bè Mỹ và quốc tế cũng quan tâm đến các bài tường thuật trực tiếp của mình
Kiên trì với việc mình làm
Ngày cuối cùng của sự kiện bầu cử cũng là ngày tuyên thệ của Tân Tổng thống. May mắn là người dân Mỹ được nghỉ làm trong ngày này nên sáng sớm mình đã có mặt ở gần Tòa nhà Quốc hội ghi nhận sự kiện. Do liên tục tác nghiệp nên mình thuộc các khu vực báo chí có thể tiếp cận và tính toán góc quay nào ổn nhất.
Làm nghề cần am hiểu khu vực tác nghiệp và cũng phải có Duyên với nghề vì nếu nhìn từ bên ngoài vào sẽ thấy an ninh dày đặc, gần như không thể tiến sát tòa nhà diễn ra sự kiện. Trời rất rét nhưng mình vẫn cùng đoàn người đứng ngóng tin tức từ sự kiện này ngay trước Tòa nhà Quốc hội suốt 4 tiếng đồng hồ và phỏng vấn người dân. Khi tác nghiệp, bạn phải nắm news flow về sự kiện, xâu chuỗi các kiến thức liên quan và để ý tình hình thực tế và động thái của người dân tại hiện trường.
Mình nhớ mãi cảnh Tân Tổng Thống đang tuyên thệ xem live qua Youtube thì ở bên ngoài mưa rồi tuyết lất phất rơi (thủ đô rất hiếm có tuyết nha mọi người) vào khoảng 10 phút rồi ngưng, sau đó mặt trời ló dạng mang hơi ấm cho người dân đang đứng trông chờ tình hình tuyên thệ cùng lực lượng an ninh đang túc trực. Nhờ vậy mà cũng phỏng vấn được một anh người Mỹ bay từ Colorado đến tận thủ đô Washington để theo dõi sự kiện này và góp phần vào tiếng nói của người dân.
Linh động, tự chủ tình hình
Đây là điều mà mọi nhà báo đều phải kinh qua. Mình nhớ đêm diễn ra bầu cử chính thức, kế hoạch ban đầu của tòa soạn giao là mình cần có mặt trước khách sạn của Donald Trump để ghi nhận tình hình nhưng do tình hình diễn biến quá nhanh, có phần phức tạp và sáng sớm mình có mặt ở Nhà Trắng (White House) nên đoán biết người dân sẽ tập trung ở Nhà Trắng nhiều hơn.
Vừa hết giờ làm việc chính thức là mình đến thẳng Nhà trắng để quay hình, lúc đang đứng ở cổng trước Nhà Trắng thì thấy đoàn người tiến đến phản đối chính sách của Trump. Đồng thời, mình cũng nhận được tin từ tòa soạn báo là có một đoàn biểu tình đang kéo đến biểu tình. Mình lên mạng search ngay hình ảnh và thông tin về nhóm này và đoán ra họ đang đứng trước mặt hình. Mình leo lên một trụ bê tông gần đó để quay được góc hình độc quyền và trọn vẹn khoảnh khắc cho tòa soạn.
Một chi tiết nữa là cần linh động và cố gắng hết sức trước khi nghĩ là mọi chuyện đã vô vọng. Lệnh phong tỏa sau bạo động được công bố là tòa soạn dặn mình không cần ra đường tác nghiệp nữa vì lo lắng cho an toàn của chính mình. Nhưng lòng yêu nghề cũng như khát khao thông tin cho độc/khán/thính giả Việt quá lớn nên mình cũng liều một phen và cuối cùng lại có được những góc quay độc quyền và kinh nghiệm để đời cho quá trình tác nghiệp.
Về quá trình truyền tin về Việt Nam thì cũng nên linh động bởi ở những nơi người dân tập trung quá đông thì mạng có thể chậm và không chuyển files về ngay được. Kinh nghiệm mình rút ra là mang cả thiết bị quay và laptop trong ba lô để khi bước ra khỏi đám đông có thể chuyển một số files quan trọng về trước hoặc đẩy vào máy tính rồi chuyển bằng wifi qua cổng máy tính hoặc dùng 4G của điện thoại bắn mạng cho máy tính.
Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho mọi người trong quá trình tác nghiệp ở nước ngoài.
Tác giả: Milly Nguyen (Thi Ngan Ha Nguyen) từ thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ
MA International Journalism/Communication (England), MS Business Analytics (the U.S.)
XEM THÊM: (Phải biết) Dịch vụ y tế, bảo hiểm và hỗ trợ du học sinh Mỹ