(Chia sẻ – tất tần tật) Kinh nghiệm du học của Milly Nguyen
“Kinh nghiệm du học của Milly Nguyen” là 1 bài chia sẻ VÔ CÙNG CHI TIẾT tới từ trải nghiệm du học trong 6 năm tại Anh Quốc và Mỹ của nữ du học sinh có tên thật là Nguyễn Thị Ngân Hà đăng trên blog cá nhân. NEXT Education xin được đăng lại để các bạn du học sinh tương lai và các phụ huynh cùng cảm nhận nhé:
Lời nói đầu:
Một số bạn hỏi mình là nền giáo dục Anh và Mỹ có gì khác nhau, tiếng Anh giọng Anh và tiếng Anh giọng Mỹ khác nhau như thế nào, cùng là các khu vực phát triển nhưng liệu cuộc sống ở Mỹ và châu Âu có giống nhau… thì mình cũng xin chia sẻ cụ thể tại đây.
Mùa nhập học các nước đang đến gần nên mong các bạn sẽ chuẩn bị tốt nhất có thể cho chặng đường du học phía trước. Đây là bài viết tiếp theo trong chuỗi bài viết “Hành trình du học” của mình (đã bắt đầu từ năm 2014) để giúp tân sinh viên (du học các nước) chuẩn bị tinh thần và kiến thức cho chặng đường phía trước – vì một cộng đồng Du học Việt vững mạnh. Chúc các bạn sức khoẻ, may mắn và thuận lợi.
Đôi nét về bản thân mình:
Mình đã có bằng Thạc sĩ đầu tiên ở University of Sussex (Anh quốc) ngành MA International Journalism/ Communication niên khóa 2013-2014 và đang theo học bằng Thạc sĩ thứ hai là MS Business/Marketing Analytics tại American University (Hoa Kỳ), từng làm Manager của một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu ở Nhật Bản tại thị trường Việt Nam trong hơn 3 năm nên có đôi điều muốn chia sẻ cùng các bạn cho mùa nhập học đang đến gần.
Mình cũng từng đặt chân đến 15 nước ở ba châu lục (Á – Âu – Mỹ) và 5 bang ở bờ Đông nước Mỹ nên qua bài viết tổng hợp này, mong các bạn sẽ tự rút ra những kinh nghiệm bổ ích cho hành trình du học phía trước:
Trước khi đến du học cần chuẩn bị:
Kiến thức tổng quan (chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp) về quốc gia theo học và kĩ năng mềm:
Đọc báo, xem phim, nghe nhạc, hỏi thăm bạn bè, người thân, tra cứu thông tin trên mạng, tham gia một số diễn đàn của các sinh viên đang theo học tại trường.
Sinh viên Việt Nam cần chuẩn bị cả kĩ năng thoát hiểm, cứu hộ, cứu nạn để bảo vệ chính mình và giúp người khác khi có sự cố xảy ra. Chơi ít nhất một môn thể thao và một môn nghệ thuật cũng là cách mà những người nổi tiếng và thành công rèn luyện não bộ và phát triển một cách toàn diện.
Tìm hiểu hệ thống giáo dục và cách học:
Mỗi quốc gia sẽ có những nét đặc sắc riêng về giáo dục cũng như những điều lưu ý khi theo học.
Theo mình thấy thì du học sinh Việt Nam cần tìm hiểu kĩ phương pháp học, tư duy, cách tra cứu thông tin, trích dẫn tài liệu (Citation(s))… để tránh bị tụt hậu khi nhập học cùng sinh viên bản địa và sinh viên quốc tế đến từ khắp nơi trên thế giới.
Một số trường sẽ có những khóa học Dự bị hoặc Chuẩn bị cho việc học chính thức (ở Anh thường gọi là Pre-sessional courses) để chuẩn bị kiến thức Anh ngữ, kiến thức tổng quan, cách học, cách tra cứu tài liệu, cách dùng thư viện và tổng quát về kiến thức chuyên ngành cho sinh viên quốc tế, đặc biệt là các bạn chưa đủ điều kiện theo học tiếng Anh như IELTS và TOEFL chưa đủ điểm.
Ngay cả những bạn đã đủ điểm tiếng Anh để theo học chương trình chính thức thì nếu có thời gian và đủ khả năng về tài chính mà chưa học ở nước ngoài bao giờ thì nên theo học những khóa này (khoảng 1-2 tháng) để quen với việc học ở nước ngoài trước khi chạy nước rút cho chương trình chính thức.
Nên đọc trước kiến thức, tích lũy kinh nghiệm thực tế trước khi học Cao học ở nước ngoài vì nội dung chương trình học Thạc sĩ khá nặng, yêu cầu kiến thức vừa sâu, vừa rộng, vừa mang tính áp dụng thực tế, đặc biệt là với ngành Business ở Mỹ.
Tiếng Anh:
Dù bạn đã giỏi hoặc đủ/dư điểm IELTS hoặc TOEFL để nhập học chương trình chính thức thì vẫn cần thường xuyên rèn luyện đủ 4 kĩ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết bằng nhiều phương pháp khác nhau như: nghe nhạc, xem phim, đọc báo, nói chuyện với giáo viên bản ngữ, đọc tiểu thuyết, tập viết và tư duy bằng tiếng Anh.
Các bạn cần chú ý cả vốn từ, cách diễn đạt cho những tình huống thường ngày và cả học thuật để tránh trường hợp văn vẻ quá học thuật mà phản ứng chưa nhạy với các tình huống đời thường nhưng cũng tránh lối diễn đạt quá suồng sã mà thiếu chuẩn mực, học thuật cho các bài luận. Tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế nên ở mỗi quốc gia sẽ có nét khác biệt nhất định.
Ở các quốc gia dùng tiếng Anh là ngôn ngữ duy nhất thì các bạn sẽ được tiếp cận hệ thống tiếng Anh khá chuẩn mực nhưng đi kèm là yêu cầu về tiếng Anh để học và làm việc (thông thường) sẽ cao hơn.
Ở các quốc gia dùng tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai (bên cạnh ngôn ngữ bản địa) thì thường khi đi làm, môi trường làm việc có thể sẽ yêu cầu bạn thông thạo cả tiếng Anh và ngôn ngữ bản địa (ví dụ: Phần Lan, Hà Lan, Singapore).
Dù là quốc gia nào đi chăng nữa thì cũng sẽ có hệ thống diễn đạt, vốn từ, ngữ âm và giọng điệu nhất định. Tiếng Anh giọng Singapore và HongKong sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi cách phát âm của tiếng Quảng Đông (Cantonese).
Tiếng Anh giọng Anh sẽ khá chuẩn theo phong cách cổ điển nhưng ban đầu bạn sẽ thấy khó nghe vì các phương tiện truyền thông hiện đại chủ yếu dùng giọng Mỹ. Giọng Anh thường trầm, phát âm rời từng từ, từng âm trong một từ, giọng điệu mang tính trịnh trọng, kiểu cách, mang âm hưởng quý tộc – hoàng gia, ít nói luyến, thường dùng âm trong họng, ít đẩy hơi ra hàm răng trên và dưới, ít uốn phần trước của lưỡi… Giọng Mỹ thì phát âm thường cao hơn giọng Anh, nhẹ hơn, một số âm trong từ sẽ được phát âm khác với giọng Anh (ví dụ: từ “graduate”), giọng điệu thoải mái hơn, chú trọng nhanh, to, rõ ràng, nói luyến nhiều hơn, thường phát âm nhẹ và đẩy hơi ra nhiều ở hàm răng trên và dưới, uốn phần trước lưỡi nhiều hơn và một số từ sẽ mang nghĩa hơi khác so với tiếng Anh của Anh quốc.
Mình xuất thân từ khoa Báo Chí và Truyền Thông tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM lại có 3 năm làm việc trong ngành Truyền thông ở Việt Nam và liên tục nghiên cứu sự tương đồng và khác biệt ngôn ngữ (Anh – Việt – Hoa – Latin), văn hóa, truyền thông trong vòng 6 năm cho đến thời điểm hiện tại nên cũng lập ra dự án riêng mang tên Cultural Hub (xem chi tiết tại: https://sgnganha.wordpress.com/2018/04/13/cultural-hub-project/)
Khi vừa đến đất nước sở tại
Làm quen với hệ thống giao thông:
Ở Anh, người dân chuộng hệ thống giao thông công cộng vì rẻ, tiện nhưng Mỹ khá rộng lớn nên thông thường người dân di chuyển bằng xe hơi là chủ yếu. Ở các thành phố lớn như Washington DC và New York thì phương tiện công cộng cũng đầy đủ nhưng cũng không thể tiện như xe hơi.
Xem thêm: 5 phương tiện dùng để đi lại khi du học Mỹ
Lúc mình ở Anh thì gần như không ai đi taxi vì mắc, hiếm, không đợi khách và chưa có Uber (thời điểm 2013 – 2014). Hiện tại, mình ở Mỹ thì thấy Uber và Lift (tương tự Uber) khá tiện khi di chuyển, phí thì mắc hơn phương tiện công cộng nhưng cũng chấp nhận được và khá nhanh, an toàn.
Đặc biệt ở các bang miền Nam nước Mỹ (ví dụ: bang Georgia) thì hệ thống phương tiện công cộng không nhiều, mọi người chủ yếu di chuyển bằng xe hơi nên khi chọn bang và thành phố du học thì các bạn cần lưu ý những điều này.
Làm quen hệ thống website nội bộ, book lớp của các trường:
Mình học ở Anh 2013 – 2014 nên gần như chương trình học là cố định, không phải book lớp và chọn lớp sớm nên khi qua Mỹ mình đã bị lỡ mất một môn (phải dời lại học kì sau để học) chỉ vì không rành về hệ thống book lớp khá phổ biến của Mỹ. Ở Mỹ thì sẽ cho book lớp vài tháng trước khi bạn chính thức học môn đó nên các bạn chưa ở Mỹ bao giờ phải cực kì lưu ý điểm này.
Set up nhà cửa, ăn uống cá nhân:
Tùy vào phòng của bạn là phòng “furnished” hay “unfurnished” (có sẵn nội thất hay không) thì bạn phải tốn thêm thời gian mua đồ và set up nhà cửa. Bạn nên qua sớm trước kì nhập học ít nhất 1 tuần đến khoảng 1 tháng, hỏi thăm và nhờ bạn bè, người thân nếu (nếu được) để hỗ trợ việc dọn vào chỗ ở mới.
Tham khảo: Những lưu ý về nhà ở khi du học tại Mỹ
Khi bắt đầu ổn định việc học và cuộc sống thì làm gì để hòa nhập?
Câu trả lời là rèn luyện mỗi ngày và cân bằng các khía cạnh sau:
Ổn định chỗ ở:
Nhà cửa ở mỗi quốc gia, mỗi vùng sẽ có cách phân loại khác nhau.
Hồi xưa, mình học ở Brighton (University of Sussex) thì chủ yếu là sinh viên ở kí túc xá và nhà dân.
Nếu các bạn du học khoảng 1 năm trở xuống, hoặc mới đến chưa rành địa phương thì nên ở kí túc xá cho tiện việc học, đi lại, thường kí túc xá sẽ hơi mắc nhưng đầy đủ tiện nghi cơ bản, các vật dụng thiết yếu cá nhân cũng được chuẩn bị (nếu bạn đặt mua sớm với trường) và trọn gói điện – nước – gas.
Nhà ở Mỹ thì có cả kí túc xá, nhà dân, chung cư… Các thuật ngữ bạn sẽ thấy khi tìm nhà là: “Studio room”- căn hộ có đầy đủ bếp và nhà tắm dành cho 1 người ở nhưng phòng ngủ và phòng khách chung, “1 Bedroom” (thường gọi tắt là “1B”) – tương tự studio room nhưng phòng ngủ và phòng khách tách riêng nên thường mắc hơn studio room, “2B2B” – căn hộ có 2 phòng ngủ và 2 nhà tắm, 1 bếp.
Tùy vào nhu cầu, khả năng tài chính mà các bạn cân nhắc cho phương án phù hợp với điều kiện của mình.
Ăn uống – tập thể dục:
Cố gắng duy trình chế độ ăn uống đủ chất, không bỏ bữa, bổ sung vitamin, khoáng chất và tập thể dục mỗi tuần.
Thời tiết ở Anh khá lạnh và ẩm nên thường người Anh yêu thích những hoạt động thể thao trong nhà (để không phải phụ thuộc thời tiết) và khi đến mùa hè (ấm nhất là khoảng tháng 7-8 hàng năm), người Anh thường bắt đầu đi bơi biển, chơi một số môn thể thao ngoài trời hoặc dã ngoại. Môn thể thao quý tộc của Anh là cưỡi ngựa và đấu kiếm nên các bạn có thể tranh thủ học khi ở Anh từ bậc A – level (cấp 3) cho đến Cao học.
Ở Mỹ thường có khí hậu 4 mùa nên các hoạt động thể thao cũng khá đa dạng từ trong nhà đến ngoài trời. Người dân Mỹ hào hứng với bóng rổ, bóng chày, bóng bầu dục, tennis…
Mình yêu thích thể thao và chơi được nhiều môn thể thao (bơi, cầu lông, bóng bàn, đạp xe đạp…) nên thường nghiên cứu kĩ trung tâm thể thao (Sport Center) của các trường trước khi chọn trường để ứng tuyển.
Học:
Thường thì học kiến thức mới thì bạn sẽ cần nhiều thời gian để làm quen nên chịu khó xem kĩ bài, hỏi bạn bè và giáo viên, đọc sách, tra cứu và làm bài tập đều đặn.
Ở Anh và một số nước châu Âu thì bài vở và kiểm tra sẽ chia thành vài đợi chính khá giống ở Việt Nam. Nhưng ở Mỹ thì bài tập (homework), câu hỏi trắc nghiệm (quiz), project là mỗi tuần kèm các đợt kiểm tra định kì nên các bạn cần chia sức và học mỗi ngày, mỗi tuần.
Các bạn có thể tranh thủ hỏi thăm kinh nghiệm của sinh viên các khóa trước, hỏi thăm trước giáo viên và nhân viên trường để chuẩn bị tốt nhất có thể cho năm học mới.
Đi làm:
Mỗi quốc gia sẽ có quy định riêng về việc làm của sinh viên quốc tế nên các bạn cần tra cứu kĩ trước khi lên kế hoạch học tập và làm việc.
Ở Anh, vào năm 2013 – 2014, sinh viên quốc tế chỉ được làm tối đa 20 tiếng/tuần, trường cũng không quá nhiều việc và không dễ để apply nhưng mình may mắn tìm được việc ở trong thành phố lại gần với chuyên ngành mình học. Ở Mỹ vào thời điểm hiện tại thì sinh viên quốc tế có thể đi làm tối đa 20 tiếng/tuần TRONG TRƯỜNG (in campus) nên các bạn phải tra cứu trước các vị trí đang mở của trường để có chiến lược apply phù hợp.
Hoạt động ngoại khóa:
Sinh viên châu Á thường hơi nhút nhát và thụ động nên quen với lối sống ở nhà rồi lên trường nên cuộc sống sẽ dễ nhàm chán, dễ bị trầm cảm, khó phát huy được hết tiềm năng và mở rộng các mối quan hệ.
Các bạn nên dần làm quen với các bạn sinh viên trong trường (cả sinh viên bản địa và sinh viên quốc tế), nhân viên, giáo viên trường, tham gia các hoạt động của các câu lạc bộ chuyên ngành, hội nhóm nghệ thuật (mình thường chơi Piano trong trường), tham gia các hoạt động tình nguyện của cộng đồng, thành phố, lĩnh vực mình quan tâm.
Đọc tin tức, xem TV, cập nhật thông tin qua các mạng xã hội, tham quan thành phố, gặp bạn bè, nói chuyện với người dân, tham khảo thị trường nội địa, du lịch cũng là những cách để các bạn trau dồi kiến thức và thích nghi môi trường mới.
“Để thật sự hòa nhập cuộc sống ở một nơi nào đó, không chỉ cần trau dồi kiến thức, am hiểu văn hóa mà còn phải rèn luyện đạo đức, tác phong làm việc.” – Milly Nguyen
“Mình học được hệ thống kiến thức chuẩn mực cổ điển quý tộc Anh (khi học bằng Thạc sĩ đầu tiên ở Anh), sự cẩn thận – chỉn chu, tinh thần Samurai của người Nhật (khi làm Manager cho tập đoàn Nhật ở thị trường Việt Nam), tự tinh tế – thâm uyên từ văn hóa cổ Việt – Hán – Nhật (với nhiều năm nghiên cứu ngôn ngữ – văn hóa – truyền thông qua dự án riêng Cultural Hub) và lối tư duy nhanh nhạy, sắc bén và cực kì linh động của người Mỹ (khi học bằng Thạc sĩ thứ hai tại đây).” – Milly Nguyen
Quả là một bài chia sẻ cực kỳ “có tâm” đúng không nào? Hi vọng bài viết về kinh nghiệm du học của Milly Nguyen trên sẽ mang lại nhiều thông tin có ích cho ba mẹ và các bạn đang có ý định lựa chọn du học THPT, đặc biệt là tại Anh và Mỹ.
Liên hệ với NEXT Education để nhận được sự tư vấn trực tiếp từ các chuyên viên và lên kế hoạch du học thật chi tiết và hiệu quả nhé!