Tìm hiểu về hệ thống giáo dục Mỹ
Hệ thống giáo dục Mỹ được đánh giá là một trong những hệ thống tiến bộ nhất trên thế giới. Tổng thể thì nó khá tương đồng với hệ thống giáo dục tại Việt Nam, nhưng được điều hành chủ yếu bởi chính quyền tiểu bang và có sự kiểm soát ở cấp liên bang.
Giáo dục bắt buộc
Trong hệ thống giáo dục Mỹ, lớp mẫu giáo cho trẻ 5 tuổi được coi là lớp học đầu tiên của chương trình giáo dục bắt buộc. Sau đó sẽ tiếp diễn trong 12 năm ở các bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Trung học phổ thông (high school) cũng là bậc học được các phụ huynh Việt Nam lựa chọn cho con đi du học tại Mỹ nhiều nhất.
Mầm non (từ 3 – 5 tuổi) | Tùy chọn ở hầu hết tiểu bang. |
Tiểu học (Elementary/Primary School)(từ 5/6 tuổi đến 10 tuổi) | Giáo dục bắt buộc cho tất cả các trẻ em. Kéo dài trong 5 – 6 năm tùy thuộc vào cấu trúc của tiểu bang. Miễn phí. |
Trung học cơ sở (Middle School/Junior High)(từ 11 đến 13 tuổi) | Ở 1 số tiểu bang, trường tiểu học dạy đến lớp 5; ở 1 số nơi khác, bậc tiểu học kéo dài đến lớp 6. Học sinh học tiếp 3 năm cấp THCS. Giáo dục cấp này cũng miễn phí. |
Trung học phổ thông (High school)(từ 14 đến 18 tuổi) | Kéo dài từ lớp 9-12. Ở cấp học này học sinh có thể chọn lớp học phù hợp với bản thân để chuẩn bị cho chương trình giáo dục bậc cao hơn. |
Giáo dục bậc cao tại Mỹ
Giáo dục bậc cao tại Mỹ bao gồm các bậc học: Đại học – Cao đẳng, Thạc sĩ, Tiến sĩ và nghiên cứu sau Tiến sĩ
Đại học – Cao đẳng (University – College)
Sinh viên thường mất bốn năm để học Đại học/Cao đẳng chuyên nghiệp hoặc hai năm để học Cao đẳng thông thường. Các trường Cao đẳng Cộng đồng (một trong 3 loại trường thuộc Cao đẳng thông thường) được nhiều sinh viên lựa chọn để học hai năm đầu chương trình cơ bản, với mức học phí rẻ hơn Đại học/Cao đẳng chuyên nghiệp. Sau đó lấy bằng chuyển tiếp AA (Associate of Arts) rồi xin chuyển lên Đại học/Cao đẳng chuyên nghiệp cho 2 năm còn lại.
Sinh viên nói chung sau khi tốt nghiệp bậc học này đều sẽ được cấp bằng Cử nhân B.A (Bachelor of Arts) hoặc B.S (Bachelor of Science) tùy vào ngành học theo thiên hướng môn học xã hội hay môn học tự nhiên.
Trong 2 năm học đầu tiên, Sinh viên thường được yêu cầu tham gia nhiều lớp với các môn học khác nhau gồm văn học, khoa học, khoa học xã hội, lịch sử,… để có được kiến thức nền tảng về nhiều chủ đề khác nhau, trước khi tập trung vào 1 lĩnh vực nghiên cứu cụ thể.
Đầu năm thứ 3, sinh viên sẽ chọn chuyên ngành chính mà mình muốn theo đuổi. Hệ thống giáo dục đại học của Mỹ là cho phép sinh viên có thể thay đổi nhiều lần chuyên ngành chính để tìm được lĩnh vực thực sự phù hợp năng lực, sở thích và niềm đam mê.
Sinh viên cũng có thể đăng ký nhiều hơn 1 chuyên ngành nếu muốn.
Thạc sĩ (Master)
Sau khi tốt nghiệp đại học, sinh viên có thể lựa chọn học lên cao học để nâng cao trình độ và phát triển nghề nghiệp. Nếu bạn nhắm đến các vị trí quản lý hoặc nghề nghiệp đòi hỏi tính học thuật cao thì tấm bằng Thạc sĩ sẽ rất phù hợp.
Chương trình cao học thường do một phòng ban ở trường đại học quản lý riêng. Một số trường còn có trường cao học riêng. Để được nhận học, ứng viên cần có điểm GRE (Graduate Record Examination) hoặc GMAT (Graduate Management Admission Test) cho các trường đào tạo kinh doanh, quản lý và phần lớn các lĩnh vực khác; LSAT (Law School Admission Test) cho các trường luật và MCAT (Medical College Admission Test) cho trường Y….
Sau khi hoàn thành chương trình, tùy vào ngành học mà bạn sẽ được cấp bằng M.A (Master of Arts), M.S (Master of Science), MPH (Master of Public Health) hay MBA (Master of Bussiness Administration), v..v…
Tiến sĩ (Doctor of Philosophy – PhD)
Học Thạc sĩ là bước đà để các sinh viên đăng ký học lên Tiến sĩ. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp ngoại lệ khi các trường không yêu cầu có bằng Thạc sĩ để được đăng ký học Tiến sĩ.
Để lấy được bằng Tiến sĩ, số năm học sẽ lên đến 4 năm. Với 1 số trường hợp đặc biệt, con số này còn cao hơn. Sau khi kết thúc 2 năm đầu, sinh viên sẽ đăng ký các đề tài nghiên cứu và viết luận văn. Các đề tài nghiên cứu này phải chưa được nghiên cứu trước đây.
Để tốt nghiệp Tiến sĩ, bạn cần ít nhất 2 đề tài nghiên cứu được công nhận và phát hành.
Hi vọng bài viết trên sẽ giúp bạn và gia đình có một cái nhìn đa diện, cụ thể hơn về việc phân cấp của hệ thống giáo dục Mỹ. Việc hiểu rõ hệ thống sẽ giúp bạn có quyết định chính xác cho sự lựa chọn của mình.
Hãy lên kế hoạch cụ thể để du học tại Mỹ, hoặc liên hệ với NEXT Education để nhận tư vấn chi tiết nhất về lộ trình du học của mình nhé!